Bộ Tư pháp vừa có báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi,àNộicầntỷđồngchotuyếnđườngsắtđôthịtchouameni trong đó nêu thực trạng 9 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác, 4 tuyến có cam kết về vốn, những tuyến còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Bộ này đánh giá khả năng cân đối, bố trí vốn ngân sách xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt đô thị của Hà Nội còn hạn chế, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, khu đô thị mới. Nhu cầu về vốn đầu tư nói trên là thách thức lớn cho ngân sách khi thành phố cần phân bổ cho nhiều hạng mục phát triển kinh tế xã hội khác. Hiện nay, Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được khoảng 46% tổng nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, với số vốn lớn, nhà đầu tư tư nhân vẫn e dè do khả năng thu hồi vốn chậm, không có lợi nhuận. Cơ chế, chính sách tạo động lực thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển đô thị kết hợp với phát triển hệ thống đường sắt đô thị còn thiếu.
Theo quy định hiện nay, một tuyến đường sắt đô thị và các dự án đô thị, trung tâm thương mại trong khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt sẽ bị chia thành nhiều dự án độc lập để đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Nhiều dự án với thủ tục xây dựng và phê duyệt khác nhau dẫn đến kéo dài thời gian.
Bộ Tư pháp cho rằng Luật Thủ đô sửa đổi cần đặt ra giải pháp phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành tuyến quốc lộ, cao tốc, vành đai, kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch. Hà Nội phải từng bước tạo ra chùm đô thị, đô thị vệ tinh theo định hướng giao thông (TOD); sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường sắt đô thị; khuyến khích thành phần kinh tế tham gia vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị và vận tải hành khách khối lượng lớn.
Dự luật cần cân đối phương thức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đất đai theo hướng kết hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP với dự án phát triển đô thị. Chính quyền thành phố phải quy định cụ thể điều kiện thực hiện và biện pháp tăng cường giám sát, phản biện, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực.
Dự thảo luật mới nhất đã đề ra nhiều giải pháp thu hút nguồn vốn, trong đó có khuyến khích UBND TP Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD. Tiền thu được từ đấu giá các quyền này được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.
Ngoài thẩm quyền đầu tư theo quy định của pháp luật, điều 43 dự thảo luật cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao Thành phố làm chủ đầu tư.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp khai mạc tháng 10.